fbpx

(TNC 11.10) Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, một xu hướng rất rõ hiện nay trong ngành logistics là đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp trong ngành cần thấy rất rõ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý đơn hàng, quản lý vận tải, quản lý cảng biển.

Xu hướng khác là xanh hóa chuỗi cung ứng, có nghĩa là doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thương mại trong giai đoạn tới và tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa, từ vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh…

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…