fbpx

(TNC 20.9) Theo tin từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tám tháng qua đạt 499,71 tỷ đô la, tăng 15,9% tương ứng tăng gần 68,7 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 252,6 tỉ đô la, tăng 18,2% (tương ứng tăng 38,85 tỉ đô la) và trị giá nhập khẩu đạt 247,11 tỉ đô la, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỉ đô la). Như vậy tính ra, trong 8 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 5,49 tỉ đô la. Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước cùng kỳ năm ngoái bị thâm hụt 2,63 tỉ đô la.


Như vậy kết quả trên cho thấy có sự ngược chiều với những lo lắng về đơn hàng bị sụt giảm hoặc bị hủy đột ngột của các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn trong ngành đồ gỗ, da giày, may mặc,… đưa ra trong hơn 2 tháng qua do các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU,… lạm phát cao.


Kết quả xuất nhập khẩu trên của cơ quan hải quan cũng phần nào trùng khớp với khảo sát mới nhất về doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam của S&P Global thực hiện cho thấy lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khi áp lực lạm phát giảm. Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global rằng các nhà sản xuất báo cáo số lượng đơn đặt hàng mới tăng từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài.


Đánh giá về việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng đa dạng từ EVFTA, những mặt hàng có thuế cao, được cắt giảm mạnh như rau quả, thuỷ sản đều tăng trưởng tốt.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đang tới mốc kỷ lục 800 tỉ đô la khi kết thúc năm 2022